Scroll To Top

Vật lộn mưu sinh giáo viên chủ nhiệm cũng không thể cống hiến hết mình

Đăng lúc: Thứ hai - 09/12/2019 15:39 |  Tin tức | : Trường Tiểu học Hòa Sơn 2 | Đã xem: 837 |   0

Vật lộn mưu sinh giáo viên chủ nhiệm cũng không thể cống hiến hết mình

Để làm được những điều đó, giáo viên phải có thời gian. Thế nhưng lo vật lộn mưu sinh thì thời gian nào dành cho những công việc này?
Để duy trì cuộc sống ổn định ở mức tối thiểu thì bắt buộc giáo viên nào ngoài thời gian giảng dạy cũng phải làm thêm.
nghe tay traiNhiều giáo viên làm nghề tay trái bằng việc bán hàng qua mạng. (Ảnh nguồn minh họa: baobinhthuan.com.vn).

"Hầm bà lằng" những công việc mưu sinh

Ngoài việc dạy thêm của một bộ phận giáo viên tiểu học nơi thành phố và giáo viên dạy các môn luôn được gọi là môn chính như Toán, Anh văn…thì phần đông các thầy cô giáo làm đủ thứ nghề để suy trì cuộc sống. Người chạy bàn tiệc cưới, người đi chạy xe ôm, người chụp hình, làm vườn, làm ruộng, bán bảo hiểm, bán hàng trên mạng…Những công việc này không đòi hỏi vốn liếng hay kinh nghiệm nhưng buộc phải có thời gian dành cho nó khá nhiều. Bởi thế, giáo viên thường tranh thủ hết giờ dạy trên lớp là tất tả lao về nhà để bắt đầu công việc tay trái (nhưng lại cho thu nhập chính) của mình.

Lo làm ăn còn đâu tâm trí, thời gian nào để lo cho học sinh? Cho công việc chủ nhiệm?

Thầy T. một giáo viên tại tỉnh Bình Thuận dù dạy học đã mười năm nhưng lương tháng cũng chỉ hơn 5 triệu đồng/tháng. Vợ thầy không có việc làm ổn định, thầy còn 2 con nhỏ. Thế nên ngày đi dạy, đêm về theo ghe đi câu, khi thì phụ đi thúng đánh cá ven bờ. Cả đêm dầm sương gió nhưng chỉ kiếm thêm được ít cá và vài trăm ngàn (có đêm lổ cả tiền dầu nên chẳng được chia đồng nào) nhưng dù sao cuộc sống cũng được cải thiện khá nhiều. Mỗi sáng sớm, ghe vào bờ, thầy chỉ kịp chạy vội về nhà tắm qua loa và lật đật chạy tới trường lên lớp cho kịp giờ. Thương hoàn cảnh thầy, Ban giám hiệu không phân thầy dạy tiết 1, tiết 2 để thầy thong thả một chút. Cô giáo M. ngày đi dạy, tan trường là cô chạy thục mạng đến nhà hàng tiệc cưới để phụ việc hoặc đến nhà cô dâu, chú rể để trang trí phòng tân hôn. Để có thu nhập ổn định, cô phải kí hợp đồng với vài ba nhà hàng một lúc. Cô kể, có đêm về đến nhà mệt bở hơi tai chỉ kịp ngả lưng xuống giường là làm một giấc đến sáng mà chẳng biết gì. Một số giáo viên tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày đi dạy đêm đi bán vé ở các rạp chiếu phim đến tận 1,2 giờ sáng mới về. Đêm nào về đến nhà cũng ngủ vùi đến sáng thì còn thì giờ đâu để làm được công việc chuyên môn? Những thầy cô giáo bán hàng trên mạng phải đi ship hàng xa vài chục ki-lô-mét vì gọi xe ôm chẳng còn đồng lời. Ngoài ra, còn phải trực điện thoại để xem ai đặt hàng còn biết trả lời kẻo mất khách.Và, hàng chục, hàng trăm thầy cô giáo khác đang ngày đêm vật lộn để mưu sinh. Dù rất yêu nghề, luôn muốn sống hết lòng vì nghề nhưng lương không đủ ăn làm sao có thể toàn tâm, toàn ý được?

Làm hết trách nhiệm, giáo viên chủ nhiệm sẽ chẳng có thời gian rảnh

Chế độ của một giáo viên chủ nhiệm cấp tiểu học là 3 tiết/tuần, bậc trung học cơ sở và trung học phổ thông 4 tiết/tuần nhưng phải chia cho giám thị từ 1-2 tiết. Giáo viên chủ nhiệm ở bậc học này ít có thời gian tiếp xúc với lớp thông qua các tiết dạy. Bởi thế, có thầy cô 1 tuần chỉ gặp lớp duy nhất 1 lần vào tiết dạy gì đó và thêm 1 tiết sinh hoạt lớp là hai.Thời gian gặp lớp ngắn ngủi như thế liệu thầy cô chủ nhiệm sẽ làm được gì? Công việc chủ yếu chỉ là nắm lại tình hình của lớp qua cán bộ lớp, qua sổ đầu bài để tuyên dương, rày la hay nhắc nhở học sinh. Ai chẳng biết để chủ nhiệm đạt hiệu quả thầy cô giáo chủ nhiệm phải làm nhiều công tác chủ nhiệm ngoài lớp. Cụ thể, phải bám lớp thường xuyên vào đầu giờ học mỗi ngày, phải đến trường năm tình hình lớp dù ngày ấy không có tiết, phải răn dạy, nhắc nhở học sinh thường xuyên…

Về nhà, phải có thời gian đến thăm nhà học sinh xem nơi ăn chốn ở thế nào? Phải tìm hiểu gia cảnh từng em đang sống ra sao? Hoàn cảnh cụ thể của các em như các em đang ở với ai? Vì sao em A. lại không có ba? Vì sao em B. lại thiếu vắng mẹ? Hay cơ duyên nào để em đến sống ở trại trẻ mồ côi? Ở trung tâm bảo trợ? Trong thực tế thì những học sinh này hoặc là sống khép kín, khá lầm lì hoặc là quậy phá ngút trời. Các em rất dễ bị tổn thương sù chỉ bằng lời nói. Thấu hiểu để chia sẻ, cảm thông, để giúp các em vượt qua nghịch cảnh vươn lên trong cuộc sống thì thầy cô phải có sự gần gủi. Để làm được những điều đó, giáo viên phải có thời gian. Thế nhưng lo vật lộn mưu sinh thì thời gian nào dành cho những công việc này?

Nguồn tin: Đỗ Quyên(giaoduc.net.vn)

 Bài viết thuộc chuyên mục: Tin tức
 

Tip:Bài viết, video, hình ảnh, vui lòng gửi về địa chỉ email: Thephuong.it@gmail.com


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây