Hơn chục năm về trước, ngành giáo dục đã chủ trương xây dựng “Trường học thân thiện- học sinh tích cực”, mấy năm nay lại đang hướng tới việc xây dựng “Trường học hạnh phúc”; “Kỷ luật tích cực”…
Những chủ trương này cũng đã tạo ra một số mặt tích cực, thân ái hơn trong một số trường học nhưng phía sau những cụm từ hoa mỹ này thì nó cũng để lại rất nhiều điều xót xa cho xã hội.
Bây giờ, giáo viên không được quát học trò hỗn láo, không được phê bình học trò vi phạm kỷ luật. Còn giáo viên nào mà thiếu kiềm chế dùng bạo lực với học trò hỗn hào là có thể mất việc như chơi, nhưng học sinh vô lễ với thầy cô, không nghe lời thầy cô thì thường được biện hộ rằng các em còn nhỏ, chưa trưởng thành…
Vì thế nên thời gian qua chúng ta phải chứng kiến nhiều chuyện đau lòng trong ngành giáo dục về thái độ, hành vi của học trò đối với thầy cô giáo. Nhưng có lẽ, những clip được đưa lên mạng xã hội cũng chỉ là phần nổi của tảng băng chìm mà thôi.
Nhiều sự việc đau lòng đã xảy ra trong môi trường giáo dục
Những ngày qua, trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội đã chứng kiến một sự việc đau lòng. Đó là một clip ghi lại sự việc một học sinh lớp 8 ở Hà Nội có những lời lẽ tục tĩu và đỉnh điểm là tát vào mặt cô giáo dạy Toán đang đứng trên bục giảng.
Dù sự việc được xảy ra từ tháng 5/2020 nhưng lại được đăng tải trên mạng xã hội vào những ngày đầu tiên của năm mới, ngay sau ngày “Tết thầy” khiến nhiều người bàng hoàng...
Chỉ là chuyện giáo viên thu giữ tai nghe điện thoại của học trò- một chuyện rất dễ bắt gặp trong các lớp học hiện nay nhưng học sinh này đã dùng rất nhiều những lời lẽ thô tục để xúc phạm giáo viên đang dạy mình.
Có nỗi đau nào hơn khi giáo viên đang đứng dạy trên lớp mà bị học sinh dùng những lời thô tục nhất để chửi mình, rồi chạy lên lấy lại chiếc chiếc tai nghe trên bàn và đưa tay tát vào mặt cô giáo.
Đau. Xót xa cho cái nghề giáo có phần bạc bẽo thời nay là nhiều tiếng lòng cảm thán khi xem clip này đã được thốt ra rất nhiều trên các diễn đàn, các phương tiện thông tin đại chúng sau khi sự việc này được đăng tải rộng rãi.
Sự tôn nghiêm nơi chốn học đường đã mai một dần khi mà thầy cô giáo chỉ cần quát nạt học trò cũng bị quy vào những việc giáo viên không được làm.
Nhưng, học trò sai trái, hư hỏng, thậm chí đánh cả thầy cô giáo thì vẫn được nhiều người châm chước, bênh vực bởi cái lý của nhiều người hiện nay là học sinh còn nhỏ tuổi, còn bồng bột hoặc viện ra lý do bệnh này, bệnh kia…
Chính vì thế, không chỉ học sinh tát vào mặt cô giáo như clip mà chúng ta thấy xuất hiện trong mấy ngày nay mà trước đây đã từng có học sinh đâm thầy giáo của mình nhưng cuối cùng cũng đành phải xử lý bằng hình thức kỷ luật “thân thiện”; “nhân văn” nhất.
Không chỉ học sinh hành hung giáo viên mà những năm qua dư luận cũng nhiều phen chứng kiến phụ huynh hành hung giáo viên như: phụ huynh tát vào mặt giáo viên ngay tại cuộc họp tại một trung tâm dạy các môn năng khiếu ở Đà Nẵng; phụ huynh bắt giáo viên quỳ gối trước mặt mình để xin lỗi ngay trong văn phòng nhà trường ở Long An…
Vậy nhưng, chỉ cần giáo viên đánh học trò dù trong hoàn cảnh nào cũng bị lên án gay gắt, nhiều lãnh đạo địa phương, lãnh đạo ngành giáo dục sẽ lập tức xử lý giáo viên và thời gian qua đã có nhiều thầy cô mất việc vì liên quan đến bạo lực học sinh...
Trường học đã mất dần kỷ cương, nền nếp?
Trước đây, việc xử lý kỷ luật học sinh được thực hiện theo Thông tư số 08/1988/TT-BGDĐT với 5 hình thức kỷ luật khi học sinh vi phạm, đó là: Khiển trách trước lớp; Khiển trách trước hội đồng kỉ luật nhà trường; Cảnh cáo trước toàn trường; Đuổi học một tuần lễ; Đuổi học 1 năm.
Từ năm 2020, Bộ ban hành Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT chỉ còn 3 mức kỷ luật, không còn mức đuổi học nữa.
Đó là tại Điều 38 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT có ghi rõ:
“Học sinh vi phạm khuyết điểm trong quá trình học tập, rèn luyện được giáo dục hoặc xử lý kỷ luật theo các hình thức sau đây:
a) Nhắc nhở, hỗ trợ, giúp đỡ trực tiếp để học sinh khắc phục khuyết điểm.
b) Khiển trách, thông báo với cha mẹ học sinh nhằm phối hợp giúp đỡ học sinh khắc phục khuyết điểm.
c) Tạm dừng học ở trường có thời hạn và thực hiện các biện pháp giáo dục khác theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.
Nhiều người cho rằng việc xử lý kỷ luật học sinh hiện nay là nhân văn, đuổi học học sinh là thất bại của nhà trường nhưng thực ra nó chỉ “nhân văn” khi mà học sinh có tiến bộ.
Thực tế, với các hình thức kỷ luật hiện nay nhiều khi gây ra tác dụng ngược bởi có nhiều học sinh luôn có những thái độ hỗn láo, vô lễ với người đang dạy mình. Trong một lớp học mà có những học sinh như thế sẽ có tác động, lôi kéo nhiều học sinh khác.
Ngày xưa, học sinh đi học luôn luôn có tâm lý sợ thầy cô của mình nhưng bây giờ giáo viên vào lớp mà gặp những học sinh hỗn láo thì luôn có tâm lý sợ và phải đề phòng học trò.
Học trò không học, quậy phá thì cũng chỉ nhắc nhở qua loa vì thầy không được phê bình học trò trước lớp, chỉ cần lớn tiếng là học sinh sẵn sàng thách thức, cãi lại thầy cô và nhiều khi còn ghi âm lời của thầy cô giáo.
Những thầy cô trong Ban giám hiệu cũng liên tục căn dặn, quán triệt giáo viên trong trường không được lớn tiếng với học trò vì chỉ sợ xảy ra sự cố thì ảnh hưởng đến uy tín nhà trường.
Trong khi, các lớp học từ cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông luôn có từ 45 học sinh trở lên, không phải học sinh nào cũng tuân thủ nội quy của nhà trường, không phải em nào cũng nghe lời thầy cô đang giảng dạy và thực hiện các yêu cầu học tập mà giáo viên yêu cầu.
Giáo viên chỉ còn mỗi biện pháp khích lệ học trò, động viên học trò học tập và đừng nói chuyện, đừng làm việc riêng trong lớp. Học sinh nghe lời thì tốt, mà không nghe lời cũng đành phải…cười trừ chứ còn biện pháp nào tích cực hơn đâu!
Bởi, với những quy định hiện nay của ngành giáo dục và sức ép của dư luận thì thầy cô nào dám dạy dỗ học trò đến nơi đến chốn như ngày trước nữa.
Chỉ cần thầy cô lớn tiếng lên một chút sẽ dễ dàng đối mặt với những án kỷ luật lơ lửng trên đầu bằng một cụm từ quen thuộc “vi phạm đạo đức nhà giáo”!
Người xưa có câu: “uốn cây phải uốn từ non” thì mới giúp cho những học sinh “cá tính” trưởng thành được nhưng bây giờ có nhiều học sinh không thể nào uốn được. Ở nhà thì cha mẹ cưng chiều, đến lớp thì các em biết được thầy cô không được phép phê bình mình trước lớp.
Vì thế, dư luận xã hội luôn phải chứng kiến nhiều sự việc đau lòng bởi những hành vi sai trái của học trò luôn được dung túng, bao bọc.
Trong khi, học sinh bây giờ được tiếp xúc sớm với internet, với vô vàn những clip nhảm nhí, bạo lực và học sinh từ lớp 6 trở lên thì các em đã sử dụng facebook, zalo và thường tạo nhóm với nhau…
Xử lý kỷ luật học sinh phổ thông đang có một khoảng trống rất lớn, những thầy cô giáo đứng lớp nhìn thấy rất rõ từ hàng chục năm nay nhưng đành bất lực.
Một bộ phận học sinh ngày nay đang được nuông chiều quá mức, trong khi những ràng buộc và quy định của ngành, những áp lực từ dư luận quá lớn khiến cho nhiều thầy cô, nhà trường phải xử lý học sinh vi phạm một cách nửa vời.
(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.
Tip:Bài viết, video, hình ảnh, vui lòng gửi về địa chỉ email: Thephuong.it@gmail.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn