Scroll To Top

Từ 01/7/2023, giáo viên được thực nhận lương, phụ cấp như thế nào?

Đăng lúc: Thứ tư - 22/03/2023 07:59 |  Tin tức | : Trường Tiểu học Hòa Sơn 2 | Đã xem: 1187 |   0

Từ 01/7/2023, giáo viên được thực nhận lương, phụ cấp như thế nào?

Giáo viên đang công tác nhận lương theo chùm Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV (từ hạng I-IV cũ) và chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT (hạng I- III mới).

Nhiều giáo viên tại các đơn vị sự nghiệp công lập có thắc mắc về việc nhận lương và các khoản phụ cấp như thế nào.

Trong bài viết hôm nay xin được cung cấp về các khoản cụ thể mà giáo viên được nhận khi công tác.
chinhphuvn 7763

Quy định hiện nay về việc giáo viên được hưởng lương, phụ cấp

Hiện nay, giáo viên đang công tác nhận lương theo chùm Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV (từ hạng I-IV cũ) và chùm Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT (hạng I- III mới).

Dù hưởng theo hạng nào thì việc hưởng lương cũng được tính theo công thức: Hệ số lương hiện hưởng nhân với mức lương cơ sở (hiện nay mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng mỗi tháng, từ ngày 01/7/2023 sẽ là 1.800.000 đồng mỗi tháng).

Dưới đây là các khoản phụ cấp mà giáo viên có thể nhận trong quá trình công tác.

Phụ cấp thâm niên: Mức tiền phụ cấp thâm niên = (Hệ số lương theo chức danh nghề nghiệp + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có) hiện hưởng) x Mức lương cơ sở x Mức (%) phụ cấp thâm niên được hưởng.

Nhà giáo tham gia giảng dạy, giáo dục có đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc đủ 5 năm (60 tháng) được tính hưởng phụ cấp thâm niên bằng 5% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có). Từ năm thứ sáu trở đi, mỗi năm (đủ 12 tháng) được tính thêm 1%

Phụ cấp ưu đãiNhà giáo đang trực tiếp giảng dạy đã được chuyển, xếp lương theo Nghị định số 204/2004/NĐ-CP vào các ngạch viên chức ngành giáo dục và đào tạo sẽ được hưởng phụ cấp ưu đãi.

Mức hưởng: (Mức phụ cấp ưu đãi được hưởng = Mức lương tối thiểu chung x [hệ số lương theo ngạch, bậc hiện hưởng + hệ số phụ cấp chức vụ lãnh đạo (nếu có) + % (quy theo hệ số) phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có)] x tỷ lệ % phụ cấp ưu đãi.)

Hệ số phụ cấp: gồm các mức 25%, 30%, 35%, 40%, 45% và 50% tùy theo cấp bậc dạy học cụ thể.
 

Phụ cấp chức vụ: Theo quy định tại Thông tư 33/2005/TT-BGDĐT, chế độ phụ cấp chức vụ được áp dụng đối với cán bộ, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ sở giáo dục công lập. Theo đó, hiệu trưởng đến tổ phó chuyên môn được hưởng phụ cấp chức vụ từ 0,15 đến 0,7 tùy theo loại hình trường, chức vụ công tác.

Phụ cấp thâm niên vượt khung: Theo văn bản Số: 1/VBHN-BNV hợp nhất Thông tư số 04/2005/TT-BNV và Thông tư số 03/2021/TT-BNV hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên vượt khung đối với cán bộ, công chức, viên chức.

Giáo viên có thể được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung khi đã có 3 năm (đủ 36 tháng) xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức, viên chức từ loại A0 đến loại A3, hoặc đã có 2 năm (đủ 24 tháng) xếp bậc lương cuối cùng trong ngạch công chức, viên chức loại B và loại C Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ thì được hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung.

Mức hưởng bằng 5% mức lương của bậc lương cuối cùng trong ngạch hoặc trong chức danh đó; từ năm thứ tư trở đi, mỗi năm có đủ hai tiêu chuẩn hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung được tính hưởng thêm 1%.

Đây là các khoản phụ cấp thường được nhận chung với lương, ngoài ra giáo viên có thể được nhận các khoản phụ cấp, trợ cấp khác trong quá trình công tác.

Giáo viên thực nhận, lương, phụ cấp từ ngày 01/7 tới ra sao?

Với mức lương cơ sở từ ngày 01/7/2023 tăng từ 1.490.000 đồng mỗi tháng tăng lên 1.800.000 đồng mỗi tháng thì giáo viên sẽ nhận lương, phụ cấp tăng lên, cụ thể như sau:

Trường hợp 1: Giáo viên tập sự

Theo Nghị định 115/2020/NĐ-CP, chế độ, chính sách đối với viên chức tập sự như sau: Trong thời gian tập sự, viên chức tập sự được hưởng 85% mức lương bậc 1 của chức danh nghề nghiệp tuyển dụng (trừ trường hợp được hưởng 100% mức lương và các trường hợp khác theo Nghị định 115/2020).

Theo Thông tư 01/2021/TT-BGDĐT, giáo viên mầm non nhận công tác sẽ có hệ số lương hạng III mới, bậc 1 là 2,1.

Theo Thông tư 02-04/2021, giáo viên từ tiểu học đến trung học phổ thông hưởng lương có hệ số lương hạng III mới, bậc 1 là 2,34.
 

Như vậy, giáo viên mầm non tập sự được hưởng từ 01/7 gồm các khoản sau:

Lương: 2,1 x 1.800.000 đồng là 3.780.000 đồng, đóng bảo hiểm xã hội 10,5%, lương được nhận là: 3.383.100 đồng.

Phụ cấp ưu đãi: 35% x 3.780.000 đồng là 1.320.000 đồng (phụ cấp ưu đãi không đóng bảo hiểm xã hội).

Tổng cộng: giáo viên tập sự được nhận 4.703.100 đồng x 85% là 3.997.635 đồng.

Giáo viên tiểu học được hưởng các khoản gồm:

Lương: 2,34 x 1.800.000 đồng là 4.212.000 đồng, đóng bảo hiểm xã hội 10,5%, lương được nhận là: 3.769.740 đồng.

Phụ cấp ưu đãi: 35% x 4.212.000 đồng là 1.474.200 đồng (phụ cấp ưu đãi không đóng bảo hiểm xã hội).

Tổng cộng: giáo viên tập sự được nhận 5.243.940 đồng x 85% là 4.457.349 đồng.

Giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông được nhận từ 01/7 như sau:

Lương: 2,34 x 1.800.000 đồng là 4.212.000 đồng, đóng bảo hiểm xã hội 10,5%, lương được nhận là: 3.769.740 đồng.

Phụ cấp ưu đãi: 30% x 4.212.000 đồng là 1.263.600 đồng (phụ cấp ưu đãi không đóng bảo hiểm xã hội).

Tổng cộng: giáo viên tập sự được nhận 5.033.340 đồng x 85% là 4.278.339 đồng.

Trường hợp 2: Giáo viên hết tập sự, hưởng lương bậc 1.

Giáo viên sau khi hết tập sự, giáo viên được hưởng 100% lương, theo công thức tính ở trên thì giáo viên hết tập sự, hưởng lương ở bậc 1 được nhận lương, phụ cấp như sau:

Giáo viên mầm non được nhận 4.703.100 đồng; giáo viên tiểu học được nhận 5.243.940 đồng; giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông được nhận 5.033.340 đồng.

Trường hợp 3: Giáo viên có thêm phụ cấp thâm niên, phụ cấp chức vụ

Giáo viên công tác từ 5 năm trở lên sẽ được hưởng thêm phụ cấp thâm niên, nếu có giữ chức vụ từ tổ phó trở lên được hưởng thêm phụ cấp chức vụ.

Phụ cấp thâm niên và phụ cấp chức vụ là các khoản có đóng bảo hiểm xã hội.

Giả sử giáo viên trung học cơ sở có hệ số lương 4,27; là tổ trưởng chuyên môn có phụ cấp chức vụ 0,2; có phụ cấp thâm niên 18%; phụ cấp ưu đãi 30% thì được hưởng các khoản từ 01/7/2023 như sau:

Hệ số lương là 4,27 cộng với phụ cấp chức vụ 0,2 là 4,47

Lương: 4,47 x 1.800.000 đồng là 8.046.000 đồng, đóng bảo hiểm xã hội 10,5%, lương được nhận là: 7.201.170 đồng.

Phụ cấp ưu đãi: 30% x 8.046.000 đồng là 2.413.800 đồng (phụ cấp ưu đãi không đóng bảo hiểm xã hội).

Phụ cấp thâm niên: 18% x8.046.000 đồng là 1.448.280 đồng, đóng bảo hiểm xã hội 10,5% nên được nhận 1.296.210 đồng.

Tổng cộng: giáo viên tập sự được nhận 10.911.180 đồng.

Trường hợp 4: giáo viên có hưởng phụ cấp thâm niên vượt khung

Một giáo viên dạy bậc trung học phổ thông có hệ số lương 4,98; phụ cấp chức vụ tổ trưởng 0,2; phụ cấp thâm niên vượt khung 12%, phụ cấp ưu đãi 30%, phụ cấp thâm niên 36% thì mức thực nhận từ 01/7/2023 như sau:

Tổng phụ cấp: 4,98 + 0,2 + 0,5976 (hệ số phụ cấp thâm niên vượt khung), tổng cộng hệ số 5,7776

Lương: 5,7776 x 1.800.000 đồng là 10.399.680 đồng, đóng bảo hiểm xã hội 10,5%, lương được nhận là: 9.307.713 đồng.

Phụ cấp ưu đãi: 30% x 10.399.680 đồng là 3.119.904 đồng (phụ cấp ưu đãi không đóng bảo hiểm xã hội).

Phụ cấp thâm niên: 36% x10.399.680 đồng là 3.743.885 đồng, đóng bảo hiểm xã hội 10,5% nên được nhận 3.350.777 đồng.

Tổng cộng giáo viên này được nhận là 15.778.394 đồng.

Trên đây là các trường hợp giáo viên thực nhận lương, phụ cấp hàng tháng, giáo viên nên biết. Tùy từng trường hợp cụ thể sẽ có những cách tính khác nhau.

Nguồn tin: GDVN: Bùi Nam

 Bài viết thuộc chuyên mục: Tin tức
 

Tip:Bài viết, video, hình ảnh, vui lòng gửi về địa chỉ email: Thephuong.it@gmail.com


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây