Trong kỳ thi Olympic Tin học quốc tế (IOI) ở Thụy Sĩ hồi đầu tháng 9/2023, Nguyễn Ngọc Đăng Khoa, lớp 11 Tin, trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, là thí sinh nhỏ tuổi nhất đội tuyển Việt Nam, cũng là người có thành tích tốt nhất. Khoa đứng thứ 27 trong hơn 350 thí sinh đến từ 89 quốc gia và vùng lãnh thổ, giành huy chương vàng.
"Em rất vui vì đạt được thành tích mình mong muốn sau nhiều tháng luyện tập", Khoa bày tỏ.
Đăng Khoa nhận huy chương vàng Olympic Tin học quốc tế tại Thụy Sĩ, đầu tháng 9/2023. Ảnh: IOI
Cậu học trò sinh năm 2006 kể được tiếp xúc với lập trình từ khá sớm. Lên lớp 3, em tình cờ đọc được thông tin về ngôn ngữ Scratch và say mê từ đó. Mùa hè trước khi vào lớp 6, nam sinh bắt đầu học ngôn ngữ Python bằng cách lập trình các trò chơi đơn giản. Khi vào đội tuyển Tin học của trường năm lớp 8, Khoa chuyển sang theo đuổi môn lập trình thi đấu.
Ngay năm đó, Khoa được chọn thi học sinh giỏi cấp thành phố. Làm xong bài trước 30 phút, Khoa cười rất tươi và tự tin giành giải nhất. Tuy nhiên, cuối cùng, em chỉ đạt giải nhì.
"Đấy là cú sốc đầu tiên của em khi theo đuổi môn học này. Sau lần đó, em rút ra rằng không gì là chắc chắn. Nhiều trường hợp, trình độ là chưa đủ mà còn cần thêm một chút may mắn để thành công", Khoa nói.
Với nam sinh, phần khó nhất của Tin học là hiểu lời giải của những bài khó. Em thấy Tin học không chặt chẽ hay chính xác như môn Toán nên nhiều khi lời giải không chi tiết và đầy đủ, thậm chí không giải thích tại sao thuật toán đó đúng.
Vì vậy, Khoa luôn dành 2-4 tiếng suy nghĩ cho mỗi bài khó, nếu vẫn không ra mới đọc lời giải. Ở bước này, em mất thêm 1-2 tiếng để hiểu và thuyết phục bản thân rằng thuật toán của tác giả chính xác. Nam sinh nói nhớ nhất một bài trong kỳ thi Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương (APIO). Để hiểu lời giải và phần lập trình bài đó, em đã mất tới 10 tiếng.
Để chuẩn bị cho kỳ thi Olympic Tin học quốc tế, ngoài thời gian ôn luyện hàng ngày theo lịch chung của đội tuyển, Khoa tranh thủ làm thêm bài vào cả giờ nghỉ trưa và vào buổi tối sau khi tan học. Nếu tự học, em sẽ dành 10 tiếng mỗi ngày để luyện 3-6 bài, tùy độ khó.
Còn nếu không có kế hoạch rõ ràng, Khoa thường làm những bài "to tay" - dạng bài cần lập trình nhiều để giải được trọn vẹn. Nam sinh nhận xét dạng này không cần nghĩ quá lâu để tìm hướng giải, nhưng đòi hỏi sự kiên nhẫn và chính xác trong bước lập trình, vì chỉ cần sai một ký tự, bài làm không ra kết quả.
"Bài dài nhất mà em làm kéo dài trong 7 tiếng với hơn 800 dòng code. Bài đó yêu cầu thí sinh mô phỏng một chương trình được viết bằng ngôn ngữ C++ bằng chính ngôn ngữ đó", Khoa kể.
Để thư giãn sau những giờ học căng thẳng, đồng thời rèn luyện sức khỏe, mỗi buổi tối, Khoa thường dành ít nhất một tiếng đi bộ. Chiều thứ 7 hàng tuần, nếu không phải làm bài, em sẽ tới khu vui chơi để giải trí.
Đăng Khoa (thứ ba từ trái sang) cùng các thầy giáo hướng dẫn và thành viên đội tuyển IOI Việt Nam 2023. Ảnh: Nhân vật cung cấp
Kỳ thi Olympic Tin học quốc tế có hai ngày thi chính thức. Mỗi ngày, thí sinh thi lập trình trên máy tính trong 5 giờ và giải ba bài toán. Kết quả được hệ thống chấm tự động và điểm số được công bố liên tục trong suốt hai ngày thi.
Khoa đánh giá đề thi năm nay hay và khó. Em ấn tượng với bài yêu cầu thí sinh viết các lệnh điều khiển để một robot tìm được đường ngắn nhất trong mê cung. Thí sinh không biết cấu trúc mê cung, mà chỉ có thể tìm đường dựa trên những ô mà robot đang nhìn thấy. Khoa cho rằng điểm khó của bài là các chức năng của robot bị hạn chế, nhưng may mắn, đây lại là dạng thế mạnh của em.
PGS.TS Đỗ Phan Thuận, giảng viên cao cấp, Đại học Bách khoa Hà Nội, là người đồng hành với đội tuyển Olympic Tin học quốc tế trong suốt quá trình tuyển chọn, ôn luyện và thi đấu. Thầy Thuận nhận xét Khoa rất chăm chỉ, miệt mài và quyết tâm cao.
"Khoa là thí sinh duy nhất trong đoàn đã giải lại toàn bộ đề thi IOI và APIO các năm trước. Em cũng là người đạt điểm cao nhất trong kỳ thi chọn đội tuyển IOI Việt Nam từ trước đến nay", thầy Thuận bật mí.
Theo thầy, thế mạnh của Khoa là sức trẻ và ý chí. Những tố chất này giúp em nghĩ ra lời giải sớm, có tốc độ tốt trong phần lập trình. Em gần như không có điểm yếu về mặt kiến thức, có chăng chỉ là vấn đề tâm lý khi lần đầu tới sân chơi quốc tế. Song, thầy Thuận cho biết Khoa đã khắc phục điều này bằng cách chăm chỉ luyện tập.
Trong cuộc sống, thầy giáo nhận xét Khoa ít tuổi nhưng tính cách điềm đạm, tự tin. Lần duy nhất thầy Thuận thấy học trò hồi hộp là sau khi kết thúc ngày thi IOI thứ hai. Lúc đó, em đợi hệ thống chấm những bài cuối cùng để biết mình có đạt huy chương vàng hay không.
"Tôi vẫn luôn tin Khoa có thể giành giải cao nhất. Tôi nghĩ trong tương lai, em phù hợp theo đuổi Khoa học kỹ thuật, công nghệ - những lĩnh vực đòi hỏi sự kiên nhẫn, chính xác cao", thầy Thuận nói.
Sau ba năm diễn ra dưới hình thức trực tuyến vì Covid-19, năm nay IOI quay trở lại tổ chức trực tiếp. Khoa nói rất vui vì có cơ hội gặp gỡ và giao lưu với các thí sinh cùng lứa tuổi đến từ khắp nơi trên thế giới. Dù đạt huy chương vàng, Khoa thấy mình còn cần cố gắng nhiều hơn.
"Với em, Tin học và lập trình thi đấu là niềm đam mê trong nhiều năm qua. Thời gian tới, em vẫn theo đuổi lĩnh vực này", Khoa nói.
Nguồn tin: vnexpress.net
Tip:Bài viết, video, hình ảnh, vui lòng gửi về địa chỉ email: Thephuong.it@gmail.com
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn