Trường Tiểu Học Hòa Sơn 2

http://thhoason2.edu.vn


Tính hung hãn của học sinh phần lớn thừa hưởng từ giáo dục gia đình

Tính hung hãn của học sinh phần lớn thừa hưởng từ giáo dục gia đình
Bạo lực học đường gia tăng như ngày nay đang báo hiệu nếp sống trong nhiều gia đình của chúng ta có vấn đề...

Trong lớp chủ nhiệm của tôi có một học sinh được xếp vào danh sách “học sinh cá biệt cần theo dõi, giúp đỡ”.

Em liên tục gây sự và hành hung nhiều học sinh khác trong lớp, trong trường.
bao luc

Mỗi ngày đến trường, tôi vẫn thường bị đồng nghiệp, thậm chí phụ huynh lớp khác “mắng vốn” vì để học sinh của mình đánh học sinh và con cái họ.

Dù mới học lớp 3 nhưng em đánh cả những anh chị học trò lớp 4, lớp 5 hơn tuổi và to khỏe hơn mình.

Tôi đã áp dụng khá nhiều cách giáo dục, từ nhỏ to tâm sự, nhỏ nhẹ khuyên răn, nghiêm khắc, cứng rắn đến cả việc mời phụ huynh, nhà trường cùng hợp tác, giúp đỡ.

Nhưng cũng chỉ được ít hôm rồi chứng nào vẫn tật ấy.

Có lần, mẹ em lên gặp tôi và khóc “Mỗi khi nghe cô phản ánh nó đánh bạn, ba nó hung lên đánh cho những trận đòn thừa sống thiếu chết nhưng cũng chẳng ăn thua.

Gia đình tôi không biết làm thế nào chỉ trăm sự nhờ cô giáo dục”.

Gia đình bất lực, giáo viên chúng tôi cũng đơn độc trong cách dạy dỗ em.

Nhưng những gì các em được dạy, được học trên trường bỗng chốc biến thành những bọt bóng xà phòng khi những hành xử vô pháp của chính phụ huynh ở nhà.
 

Một ngày nọ lên lớp, vừa gặp tôi D. đã kể ngay chuyện mới xảy ra ở nhà mình.

Em nói, hôm qua ba con mới chém cậu con đứt đầu gối đó cô.

Hốt hoảng tôi vội hỏi lý do, em kể một cách rành mạch rằng ba con đi làm về, ăn trưa xong đi ngủ để chiều đi làm tiếp.

Thế nhưng cậu của con cứ hát karaoke làm ba không ngủ được.

Ba đã nhắc mấy lần nhưng cậu vẫn cứ hát, lại còn bật loa to hơn.

Tức quá, ba lấy con dao chém cậu mấy nhát làm máu chảy nhiều quá, mọi người phải đưa cậu đi bệnh viện.

“Bây giờ cậu con sao rồi?” “Cậu con đang nằm trong bệnh viện, còn ba con đi trốn luôn rồi cô ạ”.

Cậu học trò còn nói thêm, ngày trước ba cũng đã chém một người hàng xóm và bị đi tù mất mấy năm.

Vậy là, tôi đã hiểu vì sao D. cũng hung hãn như thế mặc dù hằng ngày lên trường, em được học, được thầy cô luôn giảng dạy những điều tốt đẹp nhưng sự hung hãn, tính thích gây sự đánh bạn vẫn không hề thay đổi.

Cũng đã có không ít lần chính em kể ba thường xuyên đánh mẹ đến nhập viện.

Sống trong một gia đình có người cha luôn dùng bạo lực với người thân, với hàng xóm như vậy, thử hỏi những đứa trẻ trong gia đình sao ấy không bị ảnh hưởng?

Học trò D. chỉ là một ví dụ nhỏ, trong mỗi lớp học hiện nay, cũng có vài ba em hung hãn giống D.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, những học sinh này cũng có ba hoặc mẹ hung hãn không coi ai ra gì. Mọi chuyện đều thích xử lý bằng bạo lực.
 

Những người cha, người mẹ như thế làm sao có thể dạy con phải biết ôn hòa với mọi người?

Làm sao có thể khuyên con không nên gây sự và dùng bạo lực với bạn?

Trên trường, thầy cô luôn dạy trò biết nhường nhịn lẫn nhau, không lấy bạo lực đáp trả bạo lực. Cùng với đó, là biết bao câu chuyện về bạo lực để các em rút kinh nghiệm.

Và biết bao cách hành xử văn minh để các em học tập.

Thế nhưng đã có không ít lần chúng tôi chứng kiến một số phụ huynh dạy con “Nếu bạn tát con, chính con hãy cho bạn lại vài cái tát”.

Có phụ huynh căn dặn con “đứa nào trêu chọc con, con hãy cho chúng biết tay, tội vạ gì ba chịu”.

Thậm chí những ngôn từ phản cảm “Mày hãy đánh chết nó cho tao…” cũng được thốt ra từ miệng cha mẹ một vài học sinh khi dặn dò con mình.

Bạo lực học đường gia tăng như ngày nay đang báo hiệu nếp sống trong nhiều gia đình của chúng ta đang có vấn đề.

Thế nhưng khi một vụ học trò đánh nhau nào đó xảy ra, người ta cứ đổ trách nhiệm về nhà trường, về giáo viên mà quên đi vai trò chủ đạo là gia đình.

Có tìm rõ nguyên nhân chúng ta mới mong tìm ra được những giải pháp khắc phục hữu hiệu nhất.

Tác giả bài viết: Nam Phương

Nguồn tin: giaoduc.net.vn

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây