Trường Tiểu Học Hòa Sơn 2

http://thhoason2.edu.vn


Sáng kiến kinh nghiệm đang được đề cao quá mức trong việc xét thi đua hàng năm

Sáng kiến kinh nghiệm đang được đề cao quá mức trong việc xét thi đua hàng năm
Gần như cứ người nào có Sáng kiến kinh nghiệm đạt giải là được xếp loại viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua...

Những năm qua, trên báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có hàng trăm bài viết phản ánh về những bất cập trong việc giáo viên viết Sáng kiến kinh nghiệm ở các nhà trường.

Nó không có ích lợi gì, chẳng giúp ích gì cho ngành giáo dục phát triển mà đang tạo cơ hội cho điều giả dối lên ngôi. Người làm thật, người nhiệt huyết, người vất vả lại không được xét thi đua đối với các danh hiệu cao.

Người chỉ cần dạy tàng tàng nhưng có một Sáng kiến kinh nghiệm đạt giải là được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, Bằng khen của Ủy ban Nhân dân tỉnh và hưởng vô số quyền lợi khác.

Bất cập này đã tồn tại nhiều năm và tương lai những năm tới đây chắc cũng chưa thể thay được.

sang kienSáng kiến kinh nghiệm đang được đề cao quá mức (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)

Địa phương nơi chúng tôi đang công tác từ 2 năm nay đã không còn cho quy đổi các thành tích khác như giáo viên giỏi từ cấp huyện trở lên, giáo viên có học sinh giỏi cấp tỉnh từ giải ba trở lên…thành Sáng kiến kinh nghiệm.

Tất nhiên lãnh đạo ngành giáo dục địa phương không phải họ tự ra quy định như vậy mà họ đã bám vào những Nghị định, Thông tư của Chính phủ và Bộ Giáo dục đã ban hành, hướng dẫn để chỉ đạo việc xét thi đua, khen thưởng hàng năm.

Vì thế, mỗi lần xét thi đua cuối năm là giáo viên họ lại bàn tán, họ lại chán nản vì những thành quả cá nhân, thành quả tập thể cả năm phấn đấu không được ghi nhận một cách tích cực.

Những việc như ôn thi học sinh giỏi suốt gần cả một năm học, thậm chí nhiều trường có kế hoạch ôn thi học sinh giỏi ngay từ những lớp đầu cấp nhưng khi học sinh đạt giải thì người thầy không hề có một chút quyền lợi nào từ thành quả mà mình đã dày công trong suốt thời gian dài.

Cấp Phòng, cấp Sở không khen thưởng. Bản thân cá nhân giáo viên chỉ được xét danh hiệu Lao động tiên tiến- ngang hàng với những người chẳng làm gì ngoài việc giảng dạy theo quy định.

Bởi, theo quy định hiện nay thì chỉ những giáo viên có Sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp huyện trở lên (đối với khối mầm non, tiểu học và trung học cơ sở), cấp trường (đối với cấp trung học phổ thông) thì mới được xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua cơ sở trở lên.
 

Xét tập thể thì trong tổ chuyên môn hoặc nhà trường phải có giáo viên đạt giải Sáng kiến kinh nghiệm thì tổ, nhà trường mới được xét danh hiệu tập thể Lao động tiến tiến.

Vì vậy, có trường học dù có nhiều học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh, có nhiều giáo viên đạt danh hiệu giáo viên giỏi các cấp, có nhiều giải cấp huyện, cấp tỉnh về làm đồ dùng dạy học, có tỉ lệ tuyển sinh 10 cao so với mặt bằng chung.

Thế nhưng vì trường năm đó không có giáo viên nào đạt giải Sáng kiến kinh nghiệm nên nhà trường và các tổ chuyên môn không được xét danh hiệu thi đua cuối năm.

Trong khi đó, việc viết Sáng kiến kinh nghiệm hiện nay ở ngành giáo dục cực kỳ bất cập. Phần lớn người viết, người chấm chưa hiểu được đặc trưng của một văn bản khoa học.

Người viết thì chắp nhặt chỗ này một ít, chỗ kia một ít, thậm chí là xin xỏ, nhờ người khác viết nên ngôn phong kiểu chắp vá, rời rạc và không đúng với thể thức một văn bản khoa học.

Người chấm thì chủ yếu là lãnh đạo Phòng, Sở- nhiều người không cùng chuyên môn với người thực hiện đề tài nhưng vẫn được cơ cấu làm giám khảo. Vì vậy, phần lớn là “nhìn mặt... đặt giải” khiến cho những người có tự trọng họ không thiết tha với phong trào viết Sáng kiến kinh nghiệm.

Cuối năm xét thi đua, xét công chức thì Hội đồng thi đua nhà trường làm việc rất nhanh.

Người nào có Sáng kiến kinh nghiệm đạt giải thì xếp loại viên chức hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xét danh hiệu Chiến sĩ thi đua. Số đông còn lại thì đều xét danh hiệu Lao động tiên tiến, chỉ trừ những ai vi phạm thì không xét…

Những kiến nghị

Dù việc đánh giá xếp loại công chức, viên chức, xét thi đua những năm qua đã có một số thay đổi nhưng thực tế thì Nghị đinh 56/2016/NĐ-CP; Nghị định 88/2017/NĐ-CP; Nghị định số 91/2017/NĐ-CP; Thông tư số 22/2018/TT-BGDĐT vẫn chỉ đề cao Sáng kiến kinh nghiệm.
 

Chính vì vậy, nó ảnh hưởng trực tiếp đến việc xét thi đua của cán bộ, công chức, viên chức nói chung và viên chức ngành giáo dục nói riêng.

Có lẽ, việc đề cao Sáng kiến kinh nghiệm chỉ khi nào đề tài đó thực sự mang lại hiệu quả trong công việc và nó đảm bảo sự ảnh hưởng sâu rộng trong ngành hoặc ít nhất phải có ảnh hưởng đến địa bàn công tác, được nhiều người áp dụng.

Nhưng hiện nay, chúng ta chưa có những người am hiểu sâu, kỹ về Sáng kiến kinh nghiệm, về văn bản khoa học nên việc chấm và công nhận giải chỉ là một cách cảm tính, chủ quan, không theo một tiêu chí cụ thể nào.

Hơn nữa, nội dung Sáng kiến kinh nghiệm chủ yếu là ý tưởng cũ, trùng lặp, chắp vá…viết chủ yếu vì mục đích xét thi đua nên công nhận giải xong thì đề tài đó cũng vứt xó, cho dù người chấm công nhận giải A, giải B cấp huyện, cấp tỉnh cho các đề tài!

Trong khi, đối với ngành giáo dục thì cái cần nhất là hiệu quả đào tạo con người nên việc tôn vinh người thầy phải là những người mang lại hiệu quả đào tạo, họ phải là những giáo viên dạy giỏi, có tâm huyết với nghề.

Người thầy đó ngoài việc hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao thì có nhiều thành tích ảnh hưởng đến nhà trường như bồi dưỡng học sinh giỏi các cấp, bồi dưỡng học sinh ôn thi cuối cấp đạt tỉ lệ điểm cao, người làm công tác chủ nhiệm giỏi…

Chứ cứ mãi tôn vinh Sáng kiến kinh nghiệm như hiện nay để làm gì bởi ngay cả cái tên “sáng kiến kinh nghiệm” thì chúng ta đã thấy nó bất ổn và  mâu thuẫn rồi.

Nghĩa của từ “sáng kiến” là ý kiến mới, giúp cho công việc tiến hành tốt hơn, thuận lợi hơn, còn nghĩa của từ “kinh nghiệm” là điều hiểu biết có được do tiếp xúc với thực tế, do từng trải mà có.

Như vậy, chúng ta thấy "sáng kiến" được hiểu là cái mới, "kinh nghiệm" là cái đã được tích lũy qua thời gian. Vậy, sao lại gọi là Sáng kiến kinh nghiệm?

Thế mà mỗi năm vẫn có hàng chục ngàn Sáng kiến kinh nghiệm ra đời và công nhận giải, được phát thưởng, được xét các danh hiệu thi đua cao, được nâng lương trước thời hạn. Nghĩ buồn thay!

Tác giả bài viết: THANH AN

Nguồn tin: giaoduc.net.vn:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây