Trường Tiểu Học Hòa Sơn 2

http://thhoason2.edu.vn


Cô thầy đâu phải món hàng, cũng chẳng phải quả bóng

Cô thầy đâu phải món hàng, cũng chẳng phải quả bóng
Ông Bùi Sỹ Lợi: “Muốn tổ chức, sắp xếp lại cho phù hợp thì phải xem xét kỹ chứ không đơn thuần nhận người ta vào rồi đẩy người ta ra một cách vô cảm như vậy”.

Câu chuyện gần 500 giáo viên ở Krông Pắk (Đắk Lắk) có nguy cơ bị cho nghỉ việc đồng loạt đang thu hút sự quan tâm của dư luận.

Nguyên nhân khiến hàng trăm giáo viên đột ngột cho nghỉ việc đồng loạt vẫn chưa được thông báo rõ ràng, cụ thể từ cơ quan chức năng.

Nhiều người lo lắng và bất bình cho các thầy cô, vì rồi đây họ sẽ kiếm sống bằng nghề gì?

Để có góc nhìn khách quan về vụ việc này, ngày 12/3, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề Xã hội của Quốc hội (chuyên gia hàng về lao động và tiền lương).
 

syloi5

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, cô thầy đâu phải món hàng (ảnh Trinh Phúc).

Chia sẻ với phóng viên, ông Bùi Sỹ Lợi cho biết, ông có theo dõi và nắm bắt thông tin vụ việc này qua báo chí phản ánh.

Quan điểm của Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội là cần phải thận trọng khi đồng loạt cho nghỉ việc hàng trăm thầy cô giáo.

Bình luận sâu thêm về vụ việc, vị này cho rằng: "Việc tuyển hàng trăm giáo viên vào giảng dạy tại huyện Krông Pắk có nguyên nhân như thế nào phải được làm rõ.

Có phải do nhu cầu thiếu giáo viên giảng dạy hay còn lý do nào nữa không?

Vì sao, ba đời chủ tịch huyện lại tuyển lượng lớn giáo viên như vậy?

Trong vụ việc này, theo tôi có một thực tế không thể chối cãi là những cô thầy giáo này đã được tuyển vào làm việc, giảng dạy trong các nhà trường.

Họ cũng đã có những đóng góp nhất định. Nhiều thầy cô đã gắn bó gần 10 năm công tác.

Do đó, bây giờ Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk muốn tiến hành tổ chức, sắp xếp lại cho phù hợp với quy định giữa số lượng thầy và trò thì phải xem xét kỹ lưỡng.

Việc sắp xếp lại phải căn cứ vào nhu cầu cụ thể, phải có cách làm phù hợp và nhân văn chứ không đơn thuần nhận người ta vào làm việc rồi nay đẩy người ta ra một cách vô cảm như vậy”.
 

Qua trao đổi với đại biểu Quốc hội Bùi Sỹ Lợi có thể hiểu, các giáo viên vào giảng dạy tại các trường học đã là những lao động được tuyển dụng đúng ngành, đúng nghề, có đóng góp thực tế.  

Do đó, việc một lúc cho nghỉ việc đồng loạt là rất bất công. 

Ông Bùi Sỹ Lợi nhấn mạnh: “Con người đâu có phải là hàng hóa! Việc chấm dứt hợp đồng cần phải được nghiên cứu rất kỹ.

Phải xem xét lại để đảm bảo quyền lợi cho cô thầy và phải xem trách nhiệm rất cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân khi tuyển dụng.

Cô thầy đang có việc làm, đang đi dạy, được đào tạo cơ bản cho nên phải xem xét rất kỹ trước khi cho họ nghỉ việc.

Theo tôi cần rà soát, tính toán kỹ nếu trường hợp người nào đủ điều kiện, có năng lực, trình độ, đáp ứng được nhu cầu công việc thì cố gắng bố trí sắp xếp để tạo điều kiện cho họ được làm việc ổn định.

Còn nếu tuyển không đúng tiêu chuẩn, chức năng, không đúng vị trí; quá trình đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của học sinh thì dứt khoát bố trí chỗ khác và nếu không đúng quy định thì dứt khoát chấm dứt”.

Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Dương Minh Tuấn, Phó trưởng đoàn đại biểu chuyên trách tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu bình luận rằng: “Qua việc này nên cần thiết phải tiến hành tăng cường kiểm tra việc tuyển dụng hợp đồng lao động giáo viên ở các địa phương để có cách thức xử lý phù hợp.

Tránh tình trạng tuyển dụng bừa bãi rồi đến thời điểm lại cho sa thải một cách đồng loạt".
 

Để tránh việc cho mất việc một lượng lớn cô thầy một lúc, vị đại biểu Quốc hội này cho rằng: "Các địa phương khi đã hợp đồng với giáo viên thì cần tính lâu dài.

Làm như vậy vừa để các thầy cô yên tâm công tác và tránh được việc lợi dụng ký hợp đồng bừa bãi để trục lợi từ việc tuyển dụng.

Mỗi khi địa phương đã quyết định tuyển dụng thầy cô vào giảng dạy thì phải tính toán lâu dài để giáo viên không chịu cảnh hôm nay đứng trên bục giảng mai ngồi nhà không có việc làm”.

Trước đó, như Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, chiều ngày 9/3, Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk (Đắk Lắk) tổ chức buổi thông báo sẽ có khoảng 500 giáo viên các trường trung học cơ sở, tiểu học, mầm non bị chấm dứt hợp đồng lao động trong thời gian tới.

Được biết, đây là số giáo viên mà Ủy ban nhân dân huyện tuyển dụng dư thừa trong ba đời chủ tịch.

Cụ thể từ năm 2011- 11/2015, Ủy ban nhân dân huyện Krông Pắk đã ký hợp đồng với 588 giáo viên và 80 nhân viên trường học.

Tác giả bài viết: Trinh Phúc

Nguồn tin: giaoduc.net.vn:

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây